Theo quy định tại chương III Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài thì có 3 hình thức tạm nhập tái xuất hàng hoá như sau:
– Tạm nhập tái xuất theo hình thức mua bán thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài;
– Tạm nhập tái xuất theo các hợp đồng thuê, mượn của thương nhân Việt Nam ký với bên nước ngoài để sản xuất, thi công;
– Tạm nhập để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại thương nhân nước ngoài.
1. Tạm nhập tái xuất theo hình thức kinh doanh
a) Hàng hoá kinh doanh tạm nhập tái xuất
Trừ trường hợp hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu quy định tại Phụ lục I, II ban hành kèm theo Thông tư 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hoá và hàng hoá kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện quy định tại Phụ lục III, IV, V ban hành kèm theo Thông tư 05/2014/TT-BCT, doanh nghiệp Việt Nam thành lập theo quy định pháp luật (sau đây gọi là doanh nghiệp) được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh và không cần giấy phép của Bộ Công thương.
Kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp kinh doanh phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật.
b) Thời hạn lưu hàng hoá trong lãnh thổ Việt Nam
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2006/NĐ-CP thì hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn thương nhân có văn bản gửi Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá ba mươi ngày và không quá hai lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất.
2. Tạm nhập tái xuất hàng hoá theo hợp đồng thuê, mượn hoặc để tái chế, bảo hành
Hàng hoá là đối tượng tạm nhập tái xuất theo hợp đồng thuê, mượn hoặc để tái chế, bảo hành không thể là hàng hoá thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Thời hạn tạm nhập tái xuất được thực hiện theo thoả thuận của thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài và phải đăng kí với Bộ Công thương.